banner

Tin tức - Sự kiện

Tạo bước ngoặt nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên vùng cao về nạn tảo hôn và buôn bán người

17:30 19/11/2021
Từ lâu, vấn nạn tảo hôn và buôn bán người đã trở thành câu chuyện đau lòng, nhức nhối tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa ở nước ta.

Những số liệu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) công bố gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hạn chế, yếu kém trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ học sinh, thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và hạnh phúc của các em cũng như các thế hệ mai sau. Cụ thể: 

  • Gần 70% trẻ em dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức về tảo hôn.
  • Chỉ có 3% các em trong độ tuổi thanh thiếu niên có đủ khả năng nhận diện về các thủ đoạn tinh vi của những đối tượng buôn bán người.   

Với mong muốn góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi và hướng tới chấm dứt nạn tảo hôn và buôn bán người, Quỹ Thiện Tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội triển khai dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số”, trong đó tặng 1.000 điện thoại thông minh Vsmart cho các em học sinh, thanh thiếu niên tại 4 tỉnh là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị.

Những thủ lĩnh mở lối tiên phong nhằm thay đổi nhận thức cho trẻ em vùng cao

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ một mình nuôi bốn anh em ăn học, em Thàng Thị Pằng Dinh (dân tộc H’Mông ở bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) từ nhỏ đã nung nấu ý chí học hành thành tài để vươn lên thoát nghèo. Không chỉ nỗ lực trong học tập, Dinh còn rất năng nổ tham gia các hoạt động phong trào của lớp, của trường và trở thành một trong những thành viên xuất sắc trong Câu lạc bộ “Thủ lĩnh thay đổi trẻ em gái” do nhà trường tổ chức. Câu lạc bộ được thành lập với mục tiêu thay đổi nhận thức của các em học sinh, thanh thiếu niên về các vấn đề trong cuộc sống như tình trạng bỏ học, kết hôn sớm, buôn bán người, bình đẳng giới… Câu lạc bộ hiện có 20 thành viên, trong đó Dinh là một trong số 3 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhiều thành tích nổi trội nên được nhận điện thoại từ Quỹ Thiện Tâm trao tặng.

“Ngay khi nhận điện thoại, em đã tiến hành truy cập vào ứng dụng “Em Vui” – một ứng dụng do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thiết kế dành riêng cho đối tượng thanh thiếu niên dân tộc thiểu số để tìm hiểu về các kiến thức phòng chống tảo hôn và buôn bán người. Bản thân em là một thành viên mang trên mình trách nhiệm và sứ mệnh tạo ra những thay đổi tích cực cho các bạn nữ tại địa phương, em cùng các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ tổ chức các buổi “Talk show” nói chuyện chuyên đề hàng tuần để lan tỏa những thông tin hữu ích đến học sinh toàn trường. Không chỉ trình chiếu video, chúng em dự kiến sẽ tổ chức diễn kịch, sáng tác thơ, phổ nhạc bài hát để tăng thêm phần sáng tạo và thú vị”.

Em Thàng Thị Pằng Dinh (lớp 9- Trường Trung học cơ sở Dào San) ấp ủ ước mơ đóng góp

 một phần công sức nhỏ bé để lan tỏa và thay đổi nhận thức của trẻ em gái ở địa phương

Các em học sinh dân tộc thiểu số tại Lai Châu được Quỹ Thiện Tâm gửi tặng điện thoại Vsmart

Cùng với Dinh, có 1.000 học sinh, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tại 52 xã ở 11 huyện của 4 tỉnh là Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị cũng được Quỹ Thiện Tâm tặng điện thoại để học tập và tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng về phòng tránh kết hôn sớm và buôn bán người. Các bạn được tặng điện thoại lần này đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và là những hạt nhân nổi bật trong các Câu lạc bộ Thủ lĩnh thay đổi tại nhà trường và cộng đồng. Sự tham gia của các em được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, góc nhìn, lối sống của các bạn trẻ cũng như đồng bào vùng cao.

Anh Võ Thiện Minh – cán bộ chương trình tại Quảng Trị chia sẻ: “200 học sinh tại Quảng Trị được nhận điện thoại lần này đều là các em người đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô sinh sống tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Những năm qua, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra khá phổ biến, trở thành lực cản đối với sự tiến bộ và phát triển bền vững của địa phương. Ước tính có khoảng 15% trẻ em gái Vân Kiều trong độ tuổi 14 đến 17 tuổi kết hôn sớm. Tỷ lệ này dù thấp hơn so với các em nam nhưng điều đó buộc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và tận dụng tối đa những ứng dụng của nền tảng công nghệ số. Hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm sẽ là động lực để các em có cơ hội lan tỏa kiến thức và tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và cuộc sống của thế hệ trẻ nơi đây”.

Tặng điện thoại thông minh cho các em học sinh, thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa tại Quảng Trị

Các em học sinh tại Quảng Bình nhận điện thoại của Quỹ Thiện Tâm

1.000 điện thoại thông minh và mục tiêu nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc về nạn tảo hôn và buôn bán người

Ngày 28/9/2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chính thức ra mắt nền tảng kỹ thuật số "Em Vui". Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR). "Em Vui" được xây dựng như một diễn đàn thân thiện và tin cậy để thanh thiếu niên tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Hiện "Em Vui" đã được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website https://emvui.vn, ứng dụng điện thoại và 6 kênh mạng xã hội cùng tên là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter.

Một hình ảnh được đăng tải trên trang Fanpage "Em Vui" nói về chủ đề tảo hôn

 “Chúng tôi xây dựng nền tảng trực tuyến “Em Vui” để phổ biến thông tin và kỹ năng phòng chống nạn tảo hôn và mua bán người thông qua các chuỗi video ngắn với các câu chuyện thú vị, gần gũi từ chính cuộc sống và trải nghiệm của các em. Với số lượng dự kiến hỗ trợ cho hơn 17.200 học sinh, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi sẽ cần một số lượng điện thoại tương đối lớn để trang bị cho các em tham gia dự án. Sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm đã tạo lực đà quan trọng để chúng tôi khởi động giai đoạn đầu của dự án và tiếp thêm niềm tin về sự chung tay, đóng góp của cộng đồng đối với những vấn đề lớn trong xã hội” – bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ.

Khảo sát trước đó tại các địa phương cho thấy, trong tổng số 1.700 em tham gia khảo sát, chỉ khoảng 50% các em có điện thoại cá nhân nhưng hầu hết là loại điện thoại lạc hậu, cấu hình thấp, khó tiếp cận với các kho ứng dụng và dữ liệu. Cũng bởi vậy, 1.000 chiếc điện thoại thông minh do Quỹ Thiện Tâm gửi tặng sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp các em học sinh, thanh thiếu niên, nhất là các em trong các gia đình nghèo và các em không được đi học có cơ hội tiếp cận các thông tin và kỹ năng hữu ích để không trở thành nạn nhân của tảo hôn và mua bán người.

Tin tức mới

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm