Dự án có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ tháng 1 năm 2023 và dự kiến kết thúc vào tháng 12 năm 2027 với kinh phí tài trợ từ Quỹ Thiện Tâm là 15 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án có thêm đối ứng từ phía Liên minh Bioversity, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) và vốn đối ứng từ người dân.
Mục tiêu của dự án bao gồm: Chọn tạo được ít nhất 3 giống sắn kháng bệnh khảm lá, có năng suất cao và hàm lượng tinh bột ổn định, phù hợp với 4 vùng sinh thái trồng sắn phổ biến của cả nước; Xây dựng bộ chỉ thị phân tử liên quan đến hàm lượng tinh bột ở cây sắn; Xây dựng bộ chỉ thị phân tử liên quan đến kiểu dáng cây đứng thẳng, thích nghi với tập quán canh tác mật độ cao của nông dân Việt Nam.
Bà Phan Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thiện Tâm và GS.TS Phạm Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp ký kết thỏa thuận tài trợ dự án
Theo Tiến sỹ Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp) - chủ nhiệm dự án, ngành sản xuất sắn của nước ta hiện đang đứng trước nhiều áp lực do bệnh khảm lá. Theo đó, việc nghiên cứu, đưa ra sản xuất các giống sắn kháng bệnh khảm lá, đồng thời có năng suất và tinh bột cao đang là yêu cầu cấp thiết.
Tiến sỹ Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm dự án nhấn mạnh về những thiệt hại nặng nề của căn bệnh khảm lá trên cây sắn và khẳng định những hỗ trợ ý nghĩa của Quỹ Thiện Tâm trong quá trình triển khai dự án
Những năm qua, các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp đã phối hợp với Liên minh Bioversity - CIAT và các đơn vị trong nước cũng như quốc tế tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá. Kết quả, đã có 6 giống sắn được tự công bố lưu hành tại khu vực Đông Nam Bộ là các giống HN1, HN3, HN5, HN36, HN80 và HN97. Tuy nhiên, đây là các giống sắn có nguồn gốc từ Châu Phi, phục vụ mục đích ăn tươi, hàm lượng tinh bột dao động lớn tùy thuộc chế độ canh tác và vùng sinh thái, phân cành nhiều và không có khả năng thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau ở Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Lê Huy Hàm, bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, nguồn tài trợ từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức to lớn nhằm kịp thời hỗ trợ, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc Quỹ Thiện Tâm và các đối tác là tổ chức quốc tế tài trợ nguồn vốn lần này cho dự án sẽ là nguồn lực rất quan trọng và kịp thời để các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đưa ra các giống sắn kháng bệnh, có năng suất, chất lượng tốt phục vụ sản xuất trong thời gian tới.
Tiến sỹ Nguyễn Hải Anh - Thành viên của dự án chia sẻ những thông tin về chương trình
GS.TS Phạm Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và thời điểm thích hợp để thực hiện dự án và hi vọng, đây là tiền đề để Viện Di truyền nông nghiệp có thể tiếp tục phối hợp với các Quỹ của Tập đoàn Vingroup tiến hành các dự án nghiên cứu và phát triển cho nhiều loại cây trồng khác, góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân Việt Nam.
Bà Phan Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thiện Tâm chia sẻ: “Với sứ mệnh "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, Quỹ Thiện Tâm mong muốn kết quả của dự án sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho nông dân trồng sắn. Quỹ Thiện Tâm cũng đảm bảo sát cánh cùng Viện Di truyền nông nghiệp trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo dự án được thành công tốt đẹp.
Bà Phan Thu Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thiện Tâm nhấn mạnh về tính cấp thiết triển khai dự án và khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của Quỹ với mong muốn dự án thành công tốt đẹp
Cán bộ lãnh đạo và các thành viên dự án của Viện Di truyền nông nghiệp, cán bộ của Quỹ Thiện Tâm chụp hình lưu niệm tại trụ sở của Viện
(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm