Di chứng chất da cam đã khiến tất cả những thành viên trong gia đình anh Lê Trung Vinh mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng họ đã không đầu hàng số phận.
Sau bữa sáng, chị Lê Thị Tuyết Pha, 50 tuổi, khệ nệ bê mâm cơm từ trong nhà ra giếng chuẩn bị rửa thì nghe tiếng người chị gái Kim Oanh quát mắng trong nhà: "Đứa nào vào lấy trộm hộp kim chỉ của tao rồi?". Chị Pha hất cả mâm bát xuống nền nhà: "Làm chi có đứa mô lấy của chị mà la". Rồi chị lẩm bẩm chửi mắng luôn miệng, xung quanh là mảnh vỡ tung tóe khắp nơi.
Anh Lê Trung Vinh, 40 tuổi, hốt hoảng vơ hộp thuốc điều trị kích động tinh thần và cốc nước chạy ra, ép cho các chị uống. Người em cố vuốt ngực, rồi vừa dìu vừa xoa nhẹ lên vai để trấn an tinh thần cả hai chị. Thuốc ngấm, họ dịu lại, cơ mặt anh giãn ra.
Khi thấy các chị đã bình thường trở lại, trong căn nhà 35 năm tuổi ở phường Chính Gián, Thanh Khê, anh Vinh mới bắt đầu chậm rãi kể chuyện hai tháng trước - lần gần đây nhất hai chị phát bệnh.
Anh Vinh (ngoài cùng bên phải) cùng mẹ và hai chị gái đều đang phải điều trị tại bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Tuân thủ điều trị nên họ kiểm soát được hành vi, tinh thần ổn định, tuy nhiên, do uống thuốc nhiều năm nên tác dụng phụ khiến họ không hoạt bát như người bình thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau ngày đất nước thống nhất, cha anh Lê Trung Vinh, ông Lê Ngọc Bích về nhà từ chiến trường Quảng Đà, sau hai lần bị địch bắt giam năm 1963 và 1965. Khi đó, bà Hồ Thị Lang mới bắt đầu cảm nhận được hạnh phúc gia đình và được chồng san sẻ gánh nặng nuôi con. Cuộc sống của gia đình 5 người những năm bao cấp tuy thiếu thốn nhưng yên bình. Các con của ông bà đều ngoan ngoãn, học giỏi. Cô con gái thứ ba Lê Tuyết Pha trở thành niềm tự hào của ba mẹ khi năm nào cũng là học sinh xuất sắc.
Những tháng ngày yên bình ấy nhanh chóng biến mất và thay vào đó là một bi kịch ập xuống gia đình nhỏ. Di chứng chất da cam trong cơ thể ông Bích bắt đầu phát tác trên cơ thể cô con gái. Đến năm lớp 8, Tuyết Pha hay mất ngủ, lúc nào cũng lo lắng và nghĩ rằng có người hãm hại gia đình mình. Ông Bích và bà Lang đưa con đi viện, uống thuốc một năm nhưng bệnh tình càng nặng thêm. Tốt nghiệp THCS loại xuất sắc cũng là lúc cô bé phải nhập viện tâm thần Đà Nẵng.
Anh Vinh kể, chị Pha lúc nào cũng nghe có tiếng người nói với chị không được ngủ, không được ăn, nếu ngủ sẽ giết chết cả nhà.
Một năm ròng, ban ngày bà Lang buôn thúng, bán mẹt cùng chồng nuôi con. Ban đêm, con gái không ngủ, bà cũng thức trắng. Cậu bé Vinh khi đó 8 tuổi thường đứng trước bàn thờ Phật cầu nguyện được thay chị gái chịu đựng những cơn đau.
Nhưng nỗi đau chưa dừng ở đó. Trong khi vợ chồng bà Lang đang gồng mình chữa bệnh cho Tuyết Pha và nuôi các con đi học, thì Kim Oanh, cô con gái thứ hai đột nhiên có biểu hiện lạ. Cô gái vừa học hết lớp 12 thức cả đêm, chửi mắng mẹ không ngớt.
"Tuổi thơ của tôi chứng kiến hàng chục thầy cúng về nhà làm phép, nhưng bệnh tình của các chị mỗi lúc một nặng thêm. Ai cũng nghĩ nhà tôi bị ma quỷ ám bởi khi đó chưa ai biết đó là hậu quả của chất độc hóa học", cậu con trai thứ ba nhớ lại.
Giữa tiếng đập phá, chửi bới và khóc lóc, đêm nào Lê Trung Vinh cũng thức học bài. "Tôi luôn nghĩ chỉ học giỏi mới cùng ba mẹ thay đổi gia đình".
Khi cô con gái thứ hai phát bệnh chưa bao lâu, ông bố cũng có biểu hiện hoang tưởng. Lần thứ ba, bà Lang phải đưa người thân vào bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.
"Mẹ hay nhìn tôi với vẻ u sầu. Bà nói hãy cố học giỏi để mai này mẹ mất thì hai anh em nuôi các chị", anh kể. Vinh tốt nghiệp THPT loại giỏi và được tuyển thẳng vào đại học Bách Khoa TP.HCM như nguyện vọng của mẹ. Ngày hai buổi đến trường, buổi tối anh đi dạy thêm để có tiền tự trang trải cho việc học.
Tai họa chồng chất tai họa. Năm thứ hai đại học, Vinh rụng rời khi nhận được tin anh trai cả - vốn là trụ cột của gia đình, đã có vợ, con, đột nhiên phát bệnh giống như ba và hai người em gái. Kể từ đó, gánh nặng gia đình đè hết lên vai cậu con trai út Lê Trung Vinh và người mẹ luôn muộn phiền.
Nhưng di chứng da cam cũng không chịu buông tha Vinh. Năm cuối đại học, anh bắt đầu nói lảm nhảm, mất ngủ triền miên. "Tôi uống thuốc ngủ liều cao mà vẫn không ngủ được, trong người bồn chồn, đứng ngồi không yên. Tôi tuyệt vọng lắm", anh nhớ lại.
Chàng sinh viên năm cuối xin bảo lưu kết quả học tập về bệnh viện tâm thần Đà Nẵng điều trị. Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, khi mới bắt đầu điều trị, những lúc tỉnh táo, anh Vinh tỏ ra tuyệt vọng về tương lai, lo lắng gia đình không ai chèo chống. "Tôi đã phải động viên Vinh rất nhiều. Tôi bảo cậu ấy tích cực điều trị thì vẫn có cơ hội quay lại trường học, để còn nuôi mẹ và các chị", bác sĩ Ngọc nói.
"Khi không ai dám nghĩ tôi có thể đến trường, bác sĩ vẫn tin tôi. Lời của bác chính là động lực để tôi cố gắng", anh Vinh tâm sự. Bị bệnh nhưng anh tuân thủ đúng phác đồ điều trị của mình và sát sao với những người khác trong gia đình.
Mất một năm điều trị, sức khỏe ổn định, Vinh quay lại giảng đường. Anh tốt nghiệp đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2004 và được nhận vào làm nhân viên bảo trì thiết bị y tế của một bệnh viện tại Đà Nẵng. Thu nhập lúc đó của Vinh đủ nuôi sống gia đình.
Lê Trung Vinh nhận bằng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2004. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhưng đi làm được ba tháng, bệnh cũ của Vinh lại tái phát, chân tay run rẩy, nói lảm nhảm nên bị cho thôi việc. Khỏi bệnh, anh lại xin vào trung tâm đào tạo lái xe, phụ trách quản lý hệ thống thi trên phần mềm.
Lúc này, ông Bích, ba anh chỉ nằm một chỗ. Ngày đi làm, đêm anh vừa chăm sóc ba, vừa canh chừng các chị gái vì sợ họ phát bệnh. Chỉ một năm, Vinh phải đưa chị gái đi cấp cứu bốn lần vì chị uống thuốc ngủ tự tử.
"Cậu ấy biết rất rõ khi người thân phát bệnh cần làm gì, uống thuốc ra sao. Trước đến giờ, nếu gặp phải tình huống khó, cậu ấy lại nhấc máy gọi cho tôi", bác sĩ Ngọc cho biết.
Lần này, công việc cũng chỉ thuận lợi trong ba tháng. Vinh chủ động xin nghỉ vì bệnh cũ một lần nữa tái phát. Cũng năm đó, ba anh qua đời. Gánh nặng dồn cả lên vai bà Lang. Chịu đựng quá nhiều nỗi đau, năm 2012, bà bị trầm cảm nặng, trở thành người cuối cùng của gia đình làm bệnh nhân của bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.
"17 năm đi làm, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào đau lòng như vậy. Một mình Vinh cầm một lúc 5 cuốn sổ đi lấy thuốc. Mỗi lần lấy là cả một bao lớn", điều dưỡng Ung Thị Thùy, công tác ở bệnh viện tâm thần Đà Nẵng kể.
Mỗi lần đi lấy thuốc, Vinh lại chở theo chị gái Tuyết Pha. Có lần, điều dưỡng Thùy thắc mắc "Sao anh không đi một mình, chở theo chị ấy đi làm gì cho vất vả?". Vinh bảo: "Đưa chị đi cùng cho chị vui". Bác sĩ dặn giữ tinh thần vui vẻ bệnh sẽ có tiến triển, nên tìm cách để các chị vui vẻ là điều anh Vinh đau đáu.
Hai năm trước, một lần, chị hàng xóm hỏi: "Xưa anh học giỏi thế, giờ còn nhớ kiến thức thì chỉ dùm con em". Nghe lời đề nghị của người hàng xóm, Vĩnh nghĩ: "Ừ, sao mình không dạy bọn trẻ học nhỉ. Vừa có thu nhập, vừa để nhà có người ra vào nói chuyện". Tuy chứng tâm thần phân liệt không thể khỏi hẳn, nhưng tuân thủ phác đồ điều trị nên sức khỏe của anh hai năm nay luôn ổn định.
Tối đó, Vinh thức viết một lá thư, nhờ cháu trai mang đến lớp gửi các phụ huynh. Trong thư, anh mong họ sẽ đưa con đến lớp học của mình. " Một phần tui muốn các cháu có thêm kiến thức, phần muốn các chị có người trò chuyện cho vui cửa nhà. Tui nói với họ ai có tiền thì trả, không thì cũng không sao", Vinh nói.
Vài ngày sau, dưới hiên nhà, một lớp học của "thầy giáo Vinh" đã được dựng lên. Lớp cấp hai ban đầu chỉ có hai học sinh dần dần tăng lên năm em. Một số phụ huynh học sinh tiểu học thấy Vinh dạy tốt nên cũng cho con em đến lớp.
Trong lúc em trai dạy học, chị Tuyết Pha đứng cạnh bên chăm chú. Anh nhận ra những kiến thức ngày còn đi học chị vẫn nắm vững nên bàn giao lớp này cho chị. Có tiền mua thuốc, được trò chuyện nhiều, tinh thần của ba chị em Vinh ngày một tốt lên. Ngoài lớp học thu tiền, anh mở một lớp miễn phí cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Biết Vinh dạy học, điều dưỡng Thùy hàng ngày chạy xe máy 10 km đưa con đến lớp học của anh. Sau ba buổi đến lớp, con trai chị nói với mẹ "Chú Vinh dạy hay như các gia sư". Điều dưỡng Thùy cũng thấy con trai ham học, vui vẻ hơn.
Covid-19 bùng phát, lớp tiểu học của chị Tuyết Pha phải tạm thời đóng cửa, lớp của Vinh chỉ còn hai học sinh thân thiết. Nhưng học sinh đều hứa khi hết dịch, sẽ quay lại lớp học của chị em anh.
Bà Nguyễn Thị Yến, nguyên Phó giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, bà đã tiếp xúc, hỗ trợ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh Vinh là trường hợp khiến bà ấn tượng nhất.
"Lần đầu tôi đến, năm người nhà cậu ấy lờ đờ như những bình hoa di động. Nhưng giờ, nhờ sự trợ giúp của chính quyền, các tổ chức và quan trọng là nghị lực của bản thân, họ không chỉ cải thiện được sức khỏe cho mình mà còn giúp ích cho đời. Thật là kỳ diệu", bà nói.
Theo Phạm Nga (Vnexpress)
Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm