Đã từng rất nhiều lần theo chân các đoàn từ thiện đi khắp muôn nơi, thế nhưng, chưa bao giờ, những thành viên trong đoàn trao quà Tết của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) lại có một trải nghiệm không thể nào quên và một cảm giác xúc động mãnh liệt như chuyến trao quà tại trại phong Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Đã tìm hiểu kỹ càng thông tin qua báo chí và chuẩn bị tâm lý vững vàng, thế nhưng, lần đầu tiên tận mắt chứng kiến những bệnh nhân phong bằng xương bằng thịt, rất nhiều thành viên trong đoàn đã chết lặng. Chết lặng khi thấy những gương mặt xinh đẹp, tuấn tú trở nên biến dạng đến kinh sợ vì căn bệnh quái ác. Chết lặng khi thấy những đôi bàn tay, bàn chân vốn lành lặn bị ăn mòn đến cụt ngủn vì vi khuẩn phong.
Con đường đến với trại phong Sông Mã gian nan và trắc trở chẳng khác gì cuộc đời của những bệnh nhân phong. Những vách đá dựng đứng, những đoạn cua tay áo nghẹt thở. Thành viên trong đoàn nhớ như in khoảnh khắc chiếc xe chênh vênh vượt qua đoạn đường núi sạt lở đến quá nửa. Chiều rộng chỉ vừa vặn đủ bốn bánh xe con. Chỉ một phút lơ là, cả người và xe đều đều lao xuống vực. Rất may, rất may…không có sự cố gì xảy ra.
Một cụ ông ở Trại phong Sông Mã
Trại phong Sông Mã nằm ngay trên con dốc đi vào bản Huổi So (xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). 31 bệnh nhân phong chia nhau trong những căn phòng của nhà văn hóa xã và dãy nhà do một đoàn từ thiện xây dựng trao tặng. 31 người, ngoại trừ một người phụ nữ 33 tuổi, còn lại tất cả đều là các cụ đều đã ngoài 70 tuổi. Cụ Lò Văn Ban cao tuổi nhất, 90 tuổi đã ở gắn bó với trại phong cũng hơn nửa đời người. Ông Ban có thói quen thích ngồi trầm tư trước cửa. Cái miệng méo xệch, hai bàn tay cụt tới tận hai đốt, chân bị ăn mòn tới gần đầu gối, phải sử dụng chân giả. Ông bảo, tất cả là do con virut phong quái ác gây nên. Trái với vẻ ngoài xấu xí, ông Ban thể hiện là một người hiểu biết, đức độ, có trước có sau. Ông xúc động nghẹn ngào khi nhắc tới sự quan tâm của nhà nước tới những người trong trại: “Mỗi tháng chúng tôi được nhà nước hỗ trợ hơn một triệu đồng. Phải co kéo lắm mới đủ sống qua ngày. Dù ít, nhưng chúng tôi cũng rất biết ơn Đảng và nhà nước. Có Đảng, có nhà nước, tôi và những người ở đây mới sống đến ngày hôm nay. Trại phong Sông Mã của chúng tôi xa xôi nên ít được các đoàn tới thăm và tặng quà. Bởi vậy, kể từ hôm nghe tin sẽ được nhận quà Tết của Quỹ Thiện Tâm, chúng tôi mừng lắm. Ngày nào cũng mong ngóng đoàn tới thăm”.
Cụ Lò Văn Ban là người cao tuổi nhất tại trại phong Sông Mã
Niềm vui sớm của bản trại phong Huổi So
Hôm nay là một ngày đặc biệt tại bản Huổi So. Ngay từ sáng sớm, bà con trong bản đã có mặt tại nhà văn hóa xã. Ngoài những người bị bệnh phong, bà con trong bản cũng đều là con, cháu, người thân ruột thịt của người bị bệnh phong. Những cụ ông, cụ bà bị bệnh vì thương nhau, vì hiểu hoàn cảnh của nhau mà đến với nhau, cùng nhau chung sống, sinh con đẻ cái rồi dần dần tạo nên bản Huổi So ngày nay.
Đi không vững trên đôi chân giả, nhưng ông Ban vẫn cố gắng bước những bước khó nhọc tới hội trường nhà văn hóa. Quãng đường có hơn 30 mét nhưng người đàn ông phải mất tới gần năm phút mới tới nơi. Những ánh mắt háo hức, những nụ cười thật tươi. Ai cũng mong chờ sự có mặt của đoàn trao quà. Phải lâu lắm rồi, bản Huổi So mới đầy đủ và đông vui đến thế.
Sau hơn một giờ chờ đợi, cuối cùng đoàn trao quà đã tới. Không hào nhoáng, không lễ nghi dài dòng, đoàn trao quà của Tập đoàn Vingroup triển khai ngay công tác trao quà. Bệnh nhân phong ưu tiên nhận quà trước. Bà con nghèo khác nhận quà sau.
Các bệnh nhân phong cùng con cháu gia đình vui mừng nhận quà Tết
của Quỹ Thiện Tâm trao tặng
Giơ đôi bàn tay đã cụt hết các ngón run run nhận quà, bà Quàng Thị Thăm lặng đi trong giây lát. Kể từ ngày người chồng cũng bị bệnh phong mất, bà sống lủi thủi một mình. Với số tiền trợ cấp ít ỏi, chưa bao giờ bà có một cái Tết đủ đầy. Thế nhưng, Tết này đã khác. Phần quà trị giá 500.000 đồng gồm một suất quà bánh kẹo và 400.000 đồng tiền mặt thực sự đã giúp bà vơi bớt nỗi lo ngày Tết. “Phần bánh kẹo tôi để thắp hương cho ông nhà tôi, còn tiền mặt dành để tiêu Tết. Năm nay có tiền tiêu Tết rồi, tôi sẽ sắm cho mình một bộ quần áo mới. Ăn mặc thì cũng phải tươm tất chứ”, bà Thăm chia sẻ.
Các bệnh nhân ở trại phong Sông Mã nhận quà Tết do Quỹ Thiện Tâm trao tặng
Niềm vui giản dị của hai mẹ con chị Lò Thị Khiên (chị Khiên là con của một bệnh nhân phong)
Có mặt trong buổi trao quà, dáng vẻ gầy gò và tiều tụy của chị Lò Thị Khiên khiến người ta phải chú ý. Hỏi ra mới biết, chồng chị Khiên đi tù cách đây hai năm vì liên quan đến ma túy. Một mình chị nuôi ba đứa con. Mấy năm nay, chưa năm nào chị Khiên mua quần áo mới cho con. Tết nhất cũng chỉ có vài cái bánh chưng và ít thịt ăn cho qua ngày. Hôm nay, với phần quà do Quỹ Thiện Tâm trao tặng, việc đầu tiên chị dự định làm là mua gạo và mua quần áo cho con. Cũng may, gạo trong nhà mới vừa hết hôm qua.
Đoàn trao quà đến tận nơi thăm hỏi và tặng quà Tết cho cụ Dù Thị Ngoi
do cụ không thể đi lại được
Cuối giờ, vẫn còn một suất quà chưa được trao. Hỏi ra mới biết đó là của cụ bà bị phong, thế nhưng vì bị vi khuẩn phong ăn mòn hết chân, nên cụ chẳng thể nào đến hội trường để chung vui với bà con. Đoàn trao quà, không ai bảo ai, lặng lẽ mang phần quà đến tận nhà cụ. Ngôi nhà ẩm thấp le lói chút ánh sáng. Cụ Dù Thị Ngoi (82 tuổi) bất ngờ trước sự xuất hiện của những người lạ. Cuộc gặp gỡ giữa những người không cùng ngôn ngữ (bà Ngoi nói tiếng Thái, đoàn từ thiện nói bằng thứ tiếng mẹ đẻ) bỗng trở nên thân thuộc tới lạ lùng. Thực sự nếu không có chuyến đi này, những người trong đoàn cũng không thể tưởng tượng nổi, ở một vùng xa xôi, có những người như cụ Ngoi, vẫn âm thầm chiến đấu với những di chứng của căn bệnh đã tác oai tác quái một thời. Không thể nán lại lâu, thành viên trong đoàn bịn rịn chia tay cụ. Hôm đó, các thành viên trong đoàn cứ nhớ mãi hình ảnh một cụ bà vẻ mặt hồn hậu, giơ đôi tay ngón lành, ngón cụt vẫy chào tạm biệt, luôn miệng nói hai từ: “Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn….”.
Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm