banner

Tin tức - Sự kiện

Gian nan hành trình vận động phụ nữ vùng cao từ bỏ tập tục sinh con tại nhà

14:01 19/06/2021
“Cháu nhà mình bị “tràng hoa quấn cổ”, may mà hôm đó gia đình đưa bà mẹ đến trạm y tế sinh nở chứ nếu cứ một mình “vượt cạn” ở nhà như mọi lần thì có lẽ sẽ nguy hiểm đến cháu bé”. Cô đỡ thôn bản Giàng Thị Chi vừa kiểm tra sức khỏe cho thiên thần nhỏ đáng yêu vừa trò chuyện với sản phụ Vàng Thị Bấu. Em bé hôm nào còn yếu ớt, trộm vía bây giờ đã rất khỏe mạnh và hồng hào.

Nhớ lại, chị Bấu không khỏi nghẹn ngào: “Hai đứa con đầu tiên mình sinh tại nhà, không có sự cố gì xảy ra nên chủ quan nghĩ là đến cháu thứ ba chắc cũng không sao đâu. Cũng bởi vậy mà khi cô đỡ Chi đến khám thai và nhiều lần vận động ra trạm y tế sinh thì mình nhất định không chịu. Thế nhưng, cô Chi cứ kiên trì tới nhà mình tới ba, bốn lần. Vừa khám thai vừa thủ thỉ động viên nên mình cũng dần dần thay đổi ý định. Giờ nghĩ lại thấy may mắn quá”.

Cô đỡ Giàng Thị Chi (bên phải) thăm khám sức khỏe cho em bé tại nhà sản phụ Vàng Thị Bấu (bên trái)

Thói quen sinh con tại nhà từ lâu đã trở thành tập tục ăn sâu vào nhận thức của đại bộ phận người dân vùng cao suốt bao đời nay. Tận mắt những cái chết thương tâm của những đứa trẻ đỏ hỏn chưa kịp chào đời. Tận mắt nhìn thấy những bà mẹ, những người chị em thân thiết đứng giữa lằn ranh sinh tử khi một mình vượt cạn tại nhà, từ lâu, trong lòng chị Vừ Thị Mỷ đã nung nấu quyết tâm phải thay đổi “hủ tục” ở địa phương. Sau khi được cử đi đào tạo để trở thành cô đỡ thôn bản, chị Mỷ trở về quyết tâm dốc sức cống hiến cho chính mảnh đất quê hương. Người dân trong bản, trong xã tin tưởng cứ thế rủ nhau tới sinh tại trạm y tế. Có gia đình còn cẩn thận đưa sản phụ tới trung tâm y tế huyện để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con dù nhà cách trung tâm tới hàng chục cây số. Gần đây, chị lại tiếp tục vận động được sản phụ Giàng Thị Mỷ - người đã từng bốn lần sinh con tại nhà tới trạm y tế sinh nở.

Cô đỡ Vừ Thị Mỷ đã vận động thành công sản phụ Giàng Thị Mỷ tới trạm y tế sinh con

Gần 30 năm đồng hành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, ông Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) vẫn luôn trăn trở lời giải cho bài toán khó “làm thế nào để thay đổi thói quen sinh con tại nhà của đồng bào vùng cao”.

“Biết đó là hủ tục cần phải loại bỏ nhưng vấn đề là việc sinh con tại nhà đã trở thành thói quen bám rễ sâu trong nhận thức và tư duy của bà con miền núi. Để làm được điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ kiên trì mà còn phải biết cách nắm bắt được tâm tư, tình cảm của bà con rồi từ đó mới thay đổi dần dần nhận thức của người dân theo cách “mưa dầm thấm lâu””, ông Tuấn chia sẻ.

Với mục đích tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu hướng tới mục tiêu 100% bà mẹ mang thai đều sinh đẻ tại các cơ sở y tế, bắt đầu từ những năm 1990, Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo những phụ nữ người dân tộc thiểu số thành những cô đỡ thôn bản hoạt động ở những vùng khó khăn. Mô hình cô đỡ thôn bản đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế và nhanh chóng lan toả ra hầu hết các tỉnh miền núi khó khăn. Đến nay, cả nước đã có gần 3000 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Trong suốt chặng đường gần 30 năm sau đó, đội ngũ cô đỡ thôn bản đã âm thầm đóng góp không nhỏ cho công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn. Kết quả rất tích cực khi tỷ lệ sinh đẻ tại nhà giảm đi rõ rệt, thay vào đó là xu hướng phụ nữ dân tộc thiểu số tìm tới trạm y tế hoặc các cơ sở y tế để sinh con tăng lên. Tuy nhiên, đến năm 2019, việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản đã gặp khó khăn vì nhiều địa phương không bố trí được nguồn ngân sách để chi trả phụ cấp hỗ trợ hoạt động cho các cô đỡ. Trong suốt hai năm 2018 và 2019, một số lượng lớn các cô đỡ vì yêu nghề vẫn tiếp tục công việc của mình mà tình nguyện làm việc “không công”. Thế nhưng, đã có không ít những cô đỡ buộc phải bỏ nghề vì không có thu nhập duy trì cuộc sống.

“May mắn là vào giữa năm 2019, chúng tôi biết tới Quỹ Thiện Tâm. Nhận thấy ý nghĩa của chương trình, Quỹ Thiện Tâm đã quyết định tài trợ toàn bộ kinh phí để ngành y tế thực hiện Dự án duy trì, củng mạng lưới cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn. Dự án đã tiếp sức cho gần 1.400 cô đỡ trên khắp cả nước tiếp tục thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là tuyên truyền vận động, hỗ trợ, chăm sóc cho bà mẹ, trẻ em ở những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Chỉ trong năm 2020, các cô đỡ đã khám thai cho hơn 6.000 phụ nữ, vận động được hơn 5.000 bà mẹ đến sinh đẻ tại các cơ sở y tế, đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 1.700 bà mẹ không thể đến cơ sở y tế để sinh đẻ, chăm sóc sau sinh tại nhà cho gần 6.0000 bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đặc biệt hơn, cũng trong năm 2020, đội ngũ cô đỡ đã phát hiện được trên 500 trường hợp bà mẹ và trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm, kịp thời chuyển đến cơ sở y tế để cứu sống tính mạng bà mẹ và em bé. Đây là con số rất đáng khích lệ và chính điều này đã và đang mang đến nhiều thay đổi trong nhận thức của đồng bào vùng cao. Từ đó góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh”, ông Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em chia sẻ.

Ông Đinh Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) trong chuyến công tác thực tế tại tỉnh Hà Giang

Hơn một năm đồng hành cùng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế và các tỉnh miền núi khó khăn, Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ kinh phí để các cô đỡ thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng cao, vận động các sản phụ sinh đẻ tại cơ sở y tế, tuyệt đối không sinh ở nhà. Cũng chính nhờ những giúp đỡ thiết thực và kịp thời đó, các cô đỡ như chị Chi, chị Mỷ… và hàng nghìn cô đỡ trên khắp mọi miền đất nước đã có thêm niềm tin để vững bước đi trên hành trình mà mình đã lựa chọn.

 

Tin tức mới

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm