banner

Tin tức - Sự kiện

Xe mổ lưu động đem lại ánh sáng cho người nghèo bị đục thuỷ tinh thể ở tỉnh Yên Bái

10:14 28/05/2019
Chỉ hai tuần sau “Lễ ký tài trợ chương trình phẫu thuật mắt miễn phí trên xe mổ lưu động” giữa Bệnh viện Mắt Trung ương và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), chiếc xe mổ lưu động duy nhất tại Việt Nam đã lên đường, thực hiện chuyến hành trình đầu tiên trong năm 2019. Với sứ mệnh cao cả đem nguồn ánh sáng quý giá tới bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, điểm đến của chuyến hành trình lần này là bốn huyện nghèo nhất, xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái.

Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải –  chỉ nghe tên huyện thôi đã thấy xa xôi rồi. Kiên trì vượt qua hai trăm cây số đường đèo khúc khuỷu dưới trời mưa, chiếc xe mổ lưu động nặng tới ba tấn với hàng chục máy móc chuyên môn cuối cùng cũng tới bệnh viện thị trấn Nghĩa Lộ - địa điểm diễn ra chương trình. Lừng lững tiến vào bệnh viện, chiếc xe dù lấm lem bùn đất ngay lập tức thu hút mọi ánh nhìn.

Với người dân vùng núi, có lẽ đây là lần đầu tiên, họ mới được tận mắt chứng kiến chiếc xe “huyền thoại” ở khoảng cách gần đến như vậy. Còn với những những bác sỹ đã làm việc lâu năm ở đây, thì phải sau tám năm, họ mới thấy chiếc xe mổ lưu động trở lại lần thứ hai. Nói như vậy để thấy được, việc bố trí một chương trình mổ mắt miễn phí trên xe mổ lưu động “duy nhất” tại Việt Nam khó khăn và đáng quý đến nhường nào.

Chiếc xe mổ lưu động và đoàn bác sỹ tham gia phẫu thuật miễn phí cho bà con

Xe vừa đến, đã thấy hai bố con ông Phàng A Chứ vội vã chạy đến hỏi thăm. Hỏi ra mới hay, nhà ông Chứ ở tận huyện Trạm Tấu, cách bệnh viện gần 40 km. Lo đường sá xa xôi, ông giục con chở xuống viện từ chiều hôm trước. Chỉ cần nhìn qua cái cách ông nắm chặt tay con bước đi từng bước loạng choạng cũng đủ biết, ông bị đục thủy tinh thể cả hai mắt. Sống chung với đôi mắt trắng đục suốt một năm nay, ông Chứ bảo mình chẳng khác gì người mù dở. Tay vẫn còn khỏe, chân vẫn cuồng đi mà không làm được gì. Người đàn ông mới năm mươi tuổi đau xót kêu lên khi đôi mắt trói chặt ông nơi xó nhà, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào con cháu.
 

 Ông Phàng A Chứ (bên phải) và con trai có mặt tại bệnh viện từ sáng sớm

Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay - Câu nói thật đúng hơn với hoàn cảnh của bà Vi Thị Nhung. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, cả cuộc đời hơn sáu mươi năm của bà Nhung là những năm tháng sống côi cút và tự lập một mình. Đến khi về già, khi sức khỏe sa sút, hai con mắt lại đột ngột mờ đi. Căn bệnh đục thủy tinh thể đẩy cuộc đời của người phụ nữ đáng thương rơi vào tăm tối. Sống bằng nghề làm bánh với thu nhập vỏn vẹn 20.000 đồng/ngày, giờ mắt mờ đục, bà Nhung vẫn phải cố dò dẫm làm bánh rán kiếm tiền để nuôi sống bản thân. 

Gần 60 người dân nghèo bị đục thủy tinh thể đến từ khắp các bản làng xa xôi của bốn huyện của tỉnh Yên Bái đã tập trung về đây - tất cả đều mang trên mình khao khát tìm lại được thứ ánh sáng kỳ diệu của cuộc sống. Dù phải chờ đợi đoàn bác sỹ hoàn thành công tác chuẩn bị trong nhiều giờ liền, thế nhưng, bà con vẫn rất kiên nhẫn. Bởi họ biết, chỉ còn vài tiếng nữa, họ sẽ chạm đến hạnh phúc. Thế nên chẳng ai vội vàng. 
Ông Chứ cùng một người khác là hai người đầu tiên bước lên xe mổ. Không rõ cảm giác của ông thế nào, chứ người thân cùng biết bao bệnh nhân khác lại thấy hồi hộp đến lạ. Người con trai nóng lòng đứng ngồi không yên, chốc chốc lại ngó qua cửa phòng mổ. Sốt ruột lắm chứ khi đây là lần đầu tiên người cha trải qua cuộc phẫu thuật quan trọng trong cuộc đời. Bác sỹ trước đó cũng đã đề cập đến một số vấn đề bất trắc có thể xảy ra. Và trong trường hợp xấu nhất, bố anh có thể bị - mù – luôn - cả - hai – con -  mắt – suốt – đời. 
 

THÌNH THỊCH… THÌNH THỊCH….

Chưa đầy ba mươi phút, người cha già với gương mặt rạng rỡ bước ra từ phòng mổ lưu động. Đôi chân chầm chậm, đôi tay run run nhưng không quên nở nụ cười tươi. “Xong rồi. Bác sỹ mổ khéo lắm. Không đau! Không đau chút nào. Đúng là bác sỹ Trung ương phẫu thuật có khác”. Ông Chứ thốt lên trong sung sướng. Chưa bao giờ, người đàn ông tưởng tượng rằng, hành trình mang đến thứ ánh sáng kỳ diệu trong cuộc sống lại diễn ra nhanh chóng đến vậy. Ngày mai, ngay mai thôi, cũng chính tại đây, ông sẽ trải qua giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Khoảnh khắc vỡ òa của hạnh phúc. 


HẠNH PHÚC VỠ ÒA…
Sáng hôm sau…
Sẽ không bao giờ, ông Chứ quên được cảm giác hồi hộp ngày hôm đó.
- Số mấy. Ông quan sát kỹ nào. Số mấy đây ???
Thời gian như ngừng trôi…
….. 
Lặng đi một lúc, ông Chứ mới run run đáp lại: “Số một, số hai, số ba. Nhìn thấy. Thấy rồi. Rõ lắm”. Đó là cảm giác vui sướng mà chỉ người sống trong thứ màn trắng đục mờ mờ ảo ảnh suốt thời gian dài như ông mới hiểu được. Nó kỳ diệu và nhiệm màu. Nó dạt dào và chan chứa. Cả một vùng trời sáng choang hiện lên trước mắt. Ông Chứ hạnh phúc ôm chầm vị ân nhân đã mang đến phép màu trong cuộc đời. “Đấy mới chỉ phẫu thuật xong mắt trái. Một khi mắt phải được tháo băng, đôi mắt mình khéo còn sáng hơn mắt thanh niên ấy chứ”. Ông Chứ say sưa kể về những dự định của mình ngay sau khi đôi mắt "tìm lại ánh sáng”. Chỉ mấy ngày nữa thôi, ông lại phăm phăm lên nương trồng lúa trồng ngô, hồ hởi đưa con cháu đi khắp các bản làng, tự tay chuẩn bị bữa cơm ngon cho cả gia đình. Cuộc đời thật đẹp biết bao !!!

Chẳng cố tỏ ra kiên cường, cụ Sùng Chừ Páo bật khóc ngay khi bác sỹ tháo bông băng. Sống trong cái cảnh ngày ngày chạy ăn từng bữa ở độ tuổi đã ngoài chín mươi, chưa bao giờ, cụ dám mơ có ngày đôi mắt “mờ dần và mù đi” theo thời gian lại được “tái sinh” như hôm nay. “Chúng tôi toàn là dân nghèo cả thôi. Làm gì dám bỏ ra mấy triệu để tự đi phẫu thuật. May mắn có chương trình phẫu thuật trên xe lưu động của Bệnh viện Mắt Trung ương mà cuộc đời của chúng tôi mới bước sang trang mới. Cám ơn đoàn bác sỹ của Bệnh viện Mắt đã không quản ngại đường xa lên với bà con nghèo. Đặc biệt, cám ơn Quỹ Thiện Tâm đã tài trợ cho chương trình. Nếu không có Quỹ Thiện Tâm và các bác sỹ, chúng tôi chắc sẽ phải sống trong bóng tối đến suốt đời”. 
 

Đôi mắt ngấn lệ của của người bệnh khi đã “tìm thấy ánh sáng”

Bệnh nhân hạnh phúc khi đôi mắt tìm lại ánh sáng

Hai ngày làm việc tích cực và khẩn trương nhanh chóng qua đi. Phẫu thuật xong cho trường hợp bệnh nhân cuối cùng thì trời cũng đã quá trưa. Làm việc liên tục suốt nhiều giờ trong trạng thái tập trung cao độ đến khi buông dao mổ, nhưng vị bác sỹ vẫn không quên gặp gỡ và dặn dò từng bệnh nhân. Thống kê sau hai ngày, đoàn bác sỹ do anh Đạt dẫn đầu đã phẫu thuật thành công cho sáu mươi ca đục thủy tinh thể, trong đó, có tới gần chục trường hợp bà con được thay thủy tinh thể cả hai mắt. Đây là con số rất đáng khích lệ vì bệnh nhân đều là người cao tuổi và ở tận những bản làng xa xôi ở Yên Bái. Để tổ chức một buổi phẫu thuật như ngày hôm nay, các bác sỹ của bệnh viện đã phải lên kế hoạch và phối hợp sát sao với đầu mối các đơn vị ở địa phương ngay từ đầu năm.

Bác sỹ tận tình dặn dò bệnh nhân sau khi phẫu thuật

Cán bộ Quỹ Thiện Tâm ân cần hỏi thăm bệnh nhân sau khi phẫu thuật

Chia tay Yên Bái, đoàn bác sỹ của Bệnh viện Mắt Trung ương lại tiếp tục lên đường trên chiếc xe mổ lưu động kỳ diệu. Điểm đến tiếp theo sẽ là Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu và hàng chục tỉnh/thành trên khắp dải đất hình chữ S. Với chiếc xe mổ lưu động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, đội ngũ bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương chắc chắn sẽ phải hoạt động hết công suất để hoàn thành mục tiêu hoàn thành 5000 ca phẫu thuật miễn phí trong năm 2019.

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm