banner

Tin tức - Sự kiện

Mang mùa xuân đến muôn nơi

17:06 06/06/2019
ANTD.VN - Tết chỉ còn non một tháng nữa, khi người dân Hà Nội rậm rịch chuẩn bị đón năm mới thì ở những xóm làng heo hút của huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), bà con đồng bào các dân tộc vẫn tối mặt với mối lo sao cho đủ 2 bữa cơm trong ngày. Sáng 18-1, hơn 330 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng đã được Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup chuyển tới tận tay nhân dân nơi đây.

Mang mùa xuân đến muôn nơi
 

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm là cán bộ, chiến sỹ Báo ANTĐ lại tất bật với những chuyến xe ngược xuôi, mang quà Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước. Đây là sự chắt chiu, dành dụm cả năm trời của tòa soạn cùng các nhà hảo tâm với hy vọng san sẻ bớt những khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc anh em, mong giúp cho họ có một năm mới đủ đầy. 

Hay tin năm nay Báo ANTĐ sẽ lên thăm bà con huyện Võ Nhai, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện vui mừng lắm. Qua điện thoại, ông kể: “Võ Nhai là huyện nghèo nhất nhì tỉnh Thái Nguyên, địa bàn phần lớn là đồng bào dân tộc. Do đời sống, giao thông đi lại còn khó khăn nên mặc dù tỉnh cũng đã có kế hoạch giúp đỡ chăm lo Tết cho người nghèo từ cách đây vài tháng, thế nhưng vẫn chưa thể lo hết được. Các anh lên với chúng tôi đúng dịp Tết thế này thì khác gì đang nắng hạn lại gặp mưa rào”.

 
Cứ nghĩ những lời ông Thịnh nói chỉ là mang tính chất “ngoại giao” thế thôi, nhưng khi tới trụ sở UBND xã Thần Sa, gặp ông Lường Văn Đa - Phó Chủ tịch xã, chúng tôi mới tin ông Thịnh đã trải lòng thực sự. Ông Đa vò đầu: “Thú thực với các anh, dù đã rất cố gắng vận động bà con tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhưng toàn xã vẫn “tồn tại” tới 40% hộ nghèo. Đất Thần Sa những năm 90 của thế kỷ trước từng là bãi vàng “thổ phỉ” nên đất bị cày xới, hư hại hết. Hơn nữa đất để sản xuất nông nghiệp cũng ít, cư dân thì chiếm đa số là đồng bào Tày, Dao, Mông, họ vẫn quen với cách canh tác lạc hậu từ ngàn đời. Vậy nên đời sống phát triển rất chậm. Để chăm lo cho người dân, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, chúng tôi rất mong những tấm lòng thiện như quý báo và các doanh nghiệp”.


Quả đúng như ông Đa nói, khi nhận món quà Tết từ tay Tổng biên tập Báo ANTĐ Nguyễn Thanh Bình, ông Triệu Trung Quý ở xóm Thượng Kim vẫn không tin đó là sự thực. Ông Quý là người Dao và đã gần như mất sức lao động, đã thế hàng ngày hai ông bà vẫn phải còng lưng nuôi hai đứa cháu còn lít nhít "trứng gà trứng vịt". Ông bảo: “Từ ngày con trai tôi mất, con dâu bỏ đi lấy chồng thì hai thân già vẫn phải chăm lo cho lũ trẻ. Nhà không có ruộng, chỉ có mảnh nương trên núi nên bòn nhặt từ sáng sớm tới tối mịt cũng chẳng đủ ăn. Các anh đến, cho tiền sắm Tết thế này là một niềm vui lớn lắm với chúng tôi. Từ trước tới giờ chưa ai cho chúng tôi nhiều như thế cả”.
 

Sát cánh với người nghèo


Ở Võ Nhai, nếu Thần Sa thuộc diện nghèo nhất thì xã Thượng Nung cũng xếp vào diện thứ nhì. Cả xã có 2.600 hộ dân thì có tới 50% là hộ nghèo. Bà Lương Thị Mỹ Chải - Chủ tịch UBND xã thông báo một tin chẳng lấy gì làm vui: “Xã có 7 xóm thì non một nửa là Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài chưa biết đến khái niệm đèn điện. Thời buổi bây giờ, nói như vậy là đủ để các anh hiểu đời sống cư dân ở đây cực đến mức nào”.


Hay tin những xóm này được nhận quà Tết của đoàn công tác, ngay từ đầu giờ chiều bà con đã kéo đến chật kín cả hội trường xã. Nhận xong phần quà Tết từ tay chúng tôi, cụ Ngô Thị Pằng (80 tuổi, người Mông) lặng lẽ nép vào một góc hành lang run run bóc ra xem rồi lén túm vạt áo chấm nước mắt. Cụ Pằng không nói được tiếng Kinh nên anh hàng xóm đi cùng phải đỡ lời: “Nhà này khổ lắm, không có gạo ăn đâu. Thằng Lý Văn Chờ - con trai bà Pằng đi làm củi trong rừng bị tai nạn cụt một chân rồi. Bây giờ nó nằm một chỗ, phải nuôi nó”.


Đứng nép bên cụ Pằng là cô con dâu mới... 13 tuổi. Theo tục lệ người Mông, con gái đến tuổi này là đã bị “bắt vợ”. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên cô chẳng biết làm gì ngoài việc hàng ngày bám theo mẹ chồng chăm máy gốc ngô còi cọc. Với cụ Pằng, số tiền đoàn công tác trao cho là một món quà quá đỗi bất ngờ.


Cũng có hoàn cảnh khó khăn như vậy là chị Trần Thị De ở xóm Lũng Luông. Chị De mới ngoài 40 mà trông không khác gì bà lão bởi cuộc sống cực nhọc khi phải cáng đáng tới 5 con. Hỏi chị sẽ làm gì với món quà Tết mà chúng tôi vừa trao tặng, chị nói tiếng Kinh lơ lớ: “Về mua gạo, mua mắm muối thôi”. Nói thế rồi chị lẳng lặng ra góc sân ủy ban đứng bần thần nghĩ ngợi. Một lúc lâu sau đó, khi chúng tôi hỏi, bấy giờ chị mới giật mình như tỉnh giấc mộng: “Cán bộ cho thế này, lần sau mình không xuống nữa đâu. Vì xuống xã mà về tay không, trẻ con đòi quà thì biết lấy cái gì cho nó?”. 

Hóa ra, cả đời chị De đi chợ cũng chưa bao giờ dám mua cái kẹo cho con. Cái nghèo như một thứ nợ đeo đẳng khiến Tết dù đã ngấp nghé cửa, nhưng cũng chưa bao giờ chị dám nghĩ tới.

Bà Chải thấy vậy bảo: “Những gia đình như cụ Pằng, chị De không phải là hiếm. Thế nên Báo ANTĐ cùng các nhà hảo tâm giúp được chúng tôi chút nào là xã bớt đi được chừng ấy gánh nặng. Nếu năm nào Thượng Nung cũng nhận được sự giúp đỡ quý báu này thì chẳng mấy chốc xã sẽ chẳng còn tỷ lệ hộ nghèo”.

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm