banner

Tin tức - Sự kiện

Hiệu quả tích cực từ mô hình nuôi biển công nghệ cao sau 01 năm triển khai

16:39 08/06/2024
Với mô hình nuôi biển bằng vật liệu HDPE, có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử, năng suất, sản lượng, lợi nhuận mang lại cho người dân cao hơn hẳn mô hình truyền thống.

10 ngư dân tiên phong tham gia chương trình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Khánh Hòa giờ đây mới cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc trào dâng khi những cố gắng trong suốt một năm qua giờ đã được đền đáp xứng đáng. Với sự đồng hành và hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, các hộ dân đã mạnh dạn đối ứng nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống lồng HDPE hiện đại và triển khai thành công mô hình nuôi biển ở vùng khơi xa.

Thành công của mô hình một lần nữa được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khẳng định trong Lễ tổng kết thí điểm triển khai chương trình mới diễn ra ngày 07/06/2024 vừa qua. Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: “Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế nuôi biển. Đây là tỉnh tiên phong triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao khi phối hợp với Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup xây dựng, hỗ trợ, chế tạo lồng nuôi HDPE không khác gì với cường quốc nuôi biển Na Uy. Thời gian qua, sau khi tổng kết các mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE đều cho thấy hiệu quả nuôi cá giò (bớp), tôm hùm, nhuyễn thể đều rất cao. Do đó, đây sẽ là mô hình cần được nhân rộng tại Khánh Hòa và 27 tỉnh/thành khác có bờ biển để phát huy lợi thế nuôi biển và kinh tế biển, góp phần giảm sản lượng khai thác để sớm gỡ “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân tham quan mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE

Tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh bằng lồng HDPE

Tham gia mô hình, 10 hộ dân tại Tp. Cam Ranh được hỗ trợ tổng cộng 16 lồng tròn và 12 ô lồng vuông bằng vật liệu HDPE từ nguồn kinh phí của Quỹ Thiện Tâm. Ngoài ra, các hộ còn được tài trợ hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử…

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều cho lợi nhuận cao hơn so với mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó mô hình nuôi cá bớp đạt tỷ suất lợi nhuận trung bình tới 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 110%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 130 %.

Mô hình nuôi cá bớp trong lồng HDPE cho năng suất cao

Ngư dân cho cá ăn trong lồng nuôi HDPE

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ phấn khởi trước kết quả bước đầu của mô hình. Đặc biệt, mô hình nuôi tiết kiệm được diện tích mặt nước và tạo điều kiện để ngư dân quản lý tốt vùng nuôi bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ báo cáo Chính phủ để Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ ngư dân. Phương án được tỉnh hướng tới là xây dựng các chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi hẳn từ lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang vật liệu mới HDPE. Đồng thời mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản và trên các phương tiện phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển, cũng như hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển tại địa phương.

 

Tin tức mới

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm