banner

Tin tức - Sự kiện

"Cùng em tới lớp&

16:27 07/06/2019
Sau Hà Tĩnh, Thái Nguyên, chương trình "Cùng em tới lớp" do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp Báo NNVN lại tiếp tục lên đường đến với những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi. Lần này là hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang).

Nghị lực phi thường

Đến với Tuyên Quang, chương trình "Cùng em tới lớp" đã trao 100 chiếc xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại các trường THCS của huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Nói như ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Tổng biên tập Báo NNVN thì món quà tuy nhỏ nhưng là sự động viên, chia sẻ với những học sinh đã nỗ lực rất nhiều trong học tập và cả trong cuộc sống.

Có nhiều em chúng tôi phải gọi là phi thường, bởi nếu nhìn vào hoàn cảnh gia đình thì có lẽ việc các em đi học được đã là may lắm chứ mong gì học khá, học giỏi. Vậy mà bất chấp hoàn cảnh khó khăn, các em vẫn cứ vươn lên.


Học sinh Yên Sơn ký nhận xe đạp

Nhìn vào bản danh sách học sinh được nhận xe đạp của chương trình "Cùng em tới lớp" ở huyện Yên Sơn, tôi vội tìm ngay thầy giáo Đặng Xuân Hà, Hiệu trưởng trường THCS Trung Minh. Thầy Hà là người dẫn 5 em học sinh trường mình vượt quãng đường 70km từ xã Trung Minh ra điểm nhận xe ở trung tâm xã Tứ Quận. Học sinh của thầy, em nào nhìn cũng lạ. Ngoài những bộ trang phục riêng của người Mông, người Dao thì điểm dễ nhận ra là em nào em nấy đen trùi trũi, học cấp hai mà đứa nào người cũng quắt như học sinh tiểu học vậy. Nhưng cái lạ nhất đấy là thành tích học tập, một sự trái ngược hoàn toàn so với với hoàn cảnh gia đình mà các em đang sống.


Trao xe đạp cho học sinh ở Trường THCS Kỳ Lâm (huyện Sơn Dương)

Năm em học sinh của thầy Hà bao gồm: Ma Seo Hòa, Lù Thị Dị, Giàng Seo Thái, Lý Thị Nhung, Lý Thị Thảo. Ba trong số này bị mồ côi, cả 5 em đều con hộ nghèo, từ trước đến giờ chỉ đến trường bằng cách đi bộ. Vậy mà em nào cũng ngoan, em nào học cũng giỏi. Chẳng hạn như em Lù Thị Dị, học sinh lớp 9, ở thôn Vàng On, xã Trung Minh. Trong phần hoàn cảnh gia đình của bản danh sách nhận xe, thầy Hà viết về Dị thế này: "Con hộ nghèo, mồ côi bố, mẹ đau ốm thường xuyên, nhiều em nhỏ, nhà dột nát, xa trường, kinh tế gặp nhiều khó khăn".

Nhà Dị có tới 7 anh chị em, 6 người còn đi học. Nhà cách trường 5 cây số nhưng gia đình nghèo đến nỗi chẳng mua được chiếc xe đạp nào. Anh em Dị đều phải đi bộ đến lớp. Một buổi đi học, một buổi lên nương, tính bình quân mỗi ngày anh em Dị phải đi bộ cả chục cây số.

Thầy Hà nói nhà Dị ai nào cũng ham học cả, mỗi tội nghèo quá. Dị là con thứ ba, 9 năm đến trường năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh ngoan, học giỏi. Nhận được xe, Dị cứ bần thần, lí nhí cảm ơn rồi đẩy quanh sân chứ chưa ngồi lên được. Đây là lần đầu tiên trong đời em biết đến xe đạp.

“Chắc chắn em sẽ tập để còn đèo các em đến lớp, chứ nhiều bạn ở quê em vì đường xa, không có xe nên phải bỏ học rồi”, Dị nói. 

Năm chiếc xe mà trường Trung Minh được nhận, thầy Hà phải nhờ người tháo ra rồi cho lên ô tô, về đến trường mới lắp lại vì quãng đường xa quá. “Còn quá ít so với nhu cầu của trường. Cả trường có 114 em học sinh thì 98 em là con của hộ nghèo. Điều kiện đi học còn thiếu thốn đủ thứ. Nhưng chắc chắn đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa, là nguồn động viên lớn lao đối với học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn như Trung Minh”, thầy Hà chia sẻ.

Em sẽ không vắng học nữa rồi

Cũng như Yên Sơn, Sơn Dương là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang. Nghèo, khó khăn, vất vả. 50 em học sinh được nhận xe lần này chỉ là số ít trong số những học sinh nghèo vươn lên học giỏi ở 13 trường THCS. Cô giáo Đỗ Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Lâm, nửa đùa nửa thật rằng: Học sinh Sơn Dương đâu chỉ thiếu xe, còn thiếu cả áo quần sách vở. Chẳng hạn như trường Kỳ Lâm, có tới 73 học sinh nghèo nhưng đợt này chỉ trao cho 7 em, số xe còn lại phải chia sẻ với nhiều trường khó khăn không kém. Cô vui, trò vui, phụ huynh học sinh cũng vui vì có xe đạp để đến trường. Chứng kiến niềm vui ấy đoàn công tác chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên. Nhưng hẳn không ít người cảm thấy xót xa vì điều kiện học tập, hoàn cảnh gia đình của các em còn khổ quá.



Chương trình "Cùng em tới lớp" trao xe tại huyện Yên Sơn

Dưới cái nắng oi oi ở điểm nhận xe của các trường thuộc huyện Sơn Dương, một bà cụ đứng ngồi thấp thỏm chờ các cô giáo xướng tên cháu mình. Cụ tên là Lý Thị Phình có cháu là Hoàng Xuân Hoa, học sinh lớp 6B Trường THCS Kháng Nhật. Sao không để bố mẹ cháu đưa đi, cụ già rồi đi làm gì cho vất vả? Lặng người đi một lúc trước câu hỏi của tôi, cụ Phình kể: Bố mẹ cháu đều mất cả rồi nên cháu phải ở với bà ngoại già yếu, nghèo khổ này.

 

"Hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề đến trường vì địa hình nhiều đồi núi. Những chiếc xe đạp là món quà vô cùng thiết thực đối với các em và là động lực để những em khác phấn đấu noi theo. Hi vọng, Quỹ Thiện Tâm và báo NNVN sẽ có thêm những chương trình, cầu nối để những tấm lòng đến với học sinh nghèo Tuyên Quang nhiều hơn nữa”, bà Trần Thị Thủy, PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang

 

Từ sáng tinh mơ cụ Phình đã đánh thức Hoa dậy để di nhận xe. Nhà cách nơi nhận xe hơn 10 cây số, Hoa không muốn bà đi vì sợ bà vất vả nhưng cụ Phình cứ nằng nặc đòi đi cùng. Lưng đã còng, mắt đã yếu nhưng vẫn cứ đi vì trong thâm tâm cụ nghĩ, đây là “sự kiện lớn nhất trong đời”. Cụ cũng nói với tôi là trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá bằng chiếc xe này cả. “Vất vả một chút có sá gì, từ nay cháu tôi không phải đi bộ đến lớp nữa rồi”, bà Phình phấn khởi.

Ngồi ở điểm nhận xe càng lâu tôi càng phát hiện ra nhiều hoàn cảnh cụ Phình. Tìm hiểu thêm, trong bản danh sách nhận xe của học sinh huyện Sơn Dương thì hoàn cảnh như bà cháu Xuân Hoa rất phổ biến. Nhìn vào phần ghi hoàn cảnh gia đình của các em lại càng thương, càng phục cho thành tích học tập nổi trội. Em Nguyễn Hợp Thành ở Trường THCS Kỳ Lâm thì bố chết, mẹ bỏ đi, ở với ông bà già yếu. Em Nguyễn Hồng Uyên ở Trường THCS Đông Thọ 1 học giỏi là thế nhưng bố bị tâm thần, mẹ sức khỏe yếu…


Bà cháu em Hoàng Xuân Hoa bên xe đạp mới


Mẹ con chị Đường bên xe đạp mới

Nhận xe xong em Phùng Hồng Quân, học sinh lớp 9A trường THCS Hồng Lạc vội vàng dắt ra khoe với mẹ là chị Nguyễn Thị Đường. Hai mẹ con chẳng ai nói với ai câu nào, cứ thế ngồi ngắm xe mới mặc cho nắng trưa phả hơi nóng ràn rạt. Chồng mất sớm, một mình chị Đường cố nuôi 3 đứa con ăn học. Chỉ trông vào mấy sào ruộng nên lo được cho chúng ăn hàng ngày đã là kỳ tích của chị Đường. Còn chuyện con đến trường thì chịu. Nhà cách trường 7 cây số, anh em Quân, hôm nào xin được ai đi nhờ thì đi, còn không thì đi bộ. Lắm hôm phải đi bộ, đi được nửa đường thì rủ nhau quay về vì nếu đi tiếp thì các bạn cũng đã học xong buổi mất rồi.

“Có xe rồi, không phải đi bộ nữa, cả ba anh em con xin hứa với thầy cô và các nhà hảo tâm sẽ không vắng một buổi học nào”, Quân hồ hởi.
Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin tức mới

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm