banner

Tin tức - Sự kiện

Sàng lọc Thalassemia miễn phí tại xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang

16:15 27/08/2019
Trong hai ngày 26 và 27/8/2019, đã có 705 người dân tại xã Quang Minh, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được khám sàng lọc Thalassemia miễn phí

Trong 2 ngày 26 - 27/8/2019, Quỹ Thiện Tâm và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức truyền thông, tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh Thalassemia (hay còn gọi là bệnh Tan máu bẩm sinh) tại xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đây là đợt thứ 2 hoạt động này được triển khai miễn phí tại đây (đợt 1 vào ngày 23/5/2019).

Xã Minh Quang hiện có trên 1.500 hộ dân đang sinh sống, trong đó hơn 80% dân số là người dân tộc Tày, một trong 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía Bắc (Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và H’Mông) có tỷ lệ mang gen và bị bệnh Thalassemia khá cao. Tại đây đã ghi nhận có trên 20 trường hợp bị tan máu bẩm sinh trong đó có 10 người bệnh đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Cán bộ Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ triển khai chương trình

Người dân trong độ tuổi từ 13 - 45 tại xã Minh Quang được tầm soát Thalassemia miễn phí

Trong hai ngày 26 và 27/8/2019, đã có 705 người dân được lấy mẫu xét nghiệm

Chi phí điều trị trung bình cho một người bệnh thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị (tối thiểu). Theo ước tính một người bệnh Thalassemia mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống. Với 20.000 người bệnh Thalassemia cần 480.000 đơn vị máu mỗi năm.

Thalassemia đang là vấn đề của xã hội, ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng, tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi.


 

Đông đảo người dân xã Minh Quang đến tìm hiểu thông tin và tham gia tầm soát Thalassemia

Thalassemia tuy là một bệnh di truyền nguy hiểm, người bệnh phải điều trị suốt đời rất tốn kém và gây ra nhiều gánh nặng tinh thần cho cả gia đình người bệnh nhưng lại là bệnh có thể chủ động phòng tránh với những xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp. Hiện nay, với các phương pháp chẩn đoán trước sinh (Chẩn đoán thai nhi hoặc chẩn đoán trước chuyển phôi) thì hai người cùng mang gen vẫn có thể sinh ra những em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Để đẩy lùi căn bệnh Thalassemia, trong những năm qua Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh, triển khai đề tài "Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ gen bệnh Thalassemia tại Việt Nam", phối hợp tầm soát thalassemia tại nhiều địa phương, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán, điều trị thalassemia cho tuyến dưới…

Từ năm 2019, Quỹ Thiện Tâm và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp triển khai thực hiện truyền thông, tư vấn, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh Thalassemia tại các khu vực có tỉ lệ gen bệnh cao. Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, góp phần nâng cao chất lượng dân số và làm giảm chi phí của xã hội đối với căn bệnh này.

Một số hình ảnh trong chương trình: 

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Tin tức mới

Thong ke

Website được thiết kế bởi Marcom Mate JSC.,
© 2019 Bản quyền thuộc về Quỹ Thiện Tâm